Theo hầu hết các dự báo của các tổ chức quốc tế, bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ sáng hơn trong năm 2021 nhưng không đồng đều giữa các khu vực và vẫn còn nhiều bất định. Cùng với các phản ứng chính sách hiệu quả và kịp thời của nhiều quốc gia, việc triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng đã làm cho triển vọng kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn.
Theo ước tính của IMF, nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2021 và ở mức 4,4% vào năm 2022; theo Ngân hàng Thế giới, mức tăng trưởng sẽ đạt 4% vào 2021, còn theo OECD, con số này sẽ là 5,8% vào năm 2021 và 4,5% vào năm 2022.
Động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu của những mặt hàng truyền thống vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Trong khi đó, đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020 do hạn hẹp về nguồn lực tài khóa. Bên cạnh đó, sự mở rộng tiền tệ hay hạ lãi suất chủ yếu có vai trò giúp hạ gánh nặng nợ lãi của các khoản vay hiện tại, hơn là thúc đẩy các khoản vay mới để mở rộng sản xuất. Một khi khả năng kiểm soát đại dịch chưa chắc chắn, niềm tin chưa quay trở lại thì đầu tư của các doanh nghiệp sẽ khó tăng mạnh ngay cả khi lãi suất có thực sự giảm. Nhiều ngành dịch vụ được dự kiến chưa thể hồi phục trong năm 2021.
Khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn
Nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh covid, phát triển vaccine trong nước và tận dụng các mối quan hệ chiến lược để tiến hành ngoại giao vaccine, ưu tiên đảm bảo nguồn cung và tổ chức tiêm vắc xin phòng covid 19 nhanh và hiệu quả cho đồng thời khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lẫn các nhóm hộ kinh doanh đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hạn chế và dãn cách xã hội ở khắp cả thành phố lớn và trung tâm kinh tế trọng điểm
Do nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thời kì đại dịch cần phải đúng trọng tâm, tiết kiệm, và đúng địa chỉ. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức. Tiếp đến, các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng như miễn giảm phí công đoàn, lãi vay, tiền thuê đất,… nên được thực hiện nếu có nguồn lực. Tiếp theo, sớm thiết kế gói chính sách kích thích và phục hồi sản xuất/kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ/bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ/siêu nhỏ cũng như các Hộ kinh doanh sau khi dịch bệnh đã được cơ bản khống chế. Tất cả các biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập hay chi tiêu hàng xa xỉ nên được xóa bỏ.
Đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Các dự án đầu tư không thiết yếu ở các địa phương cần được chấn chỉnh. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một định hướng quan trọng khi Covid-19 vẫn là một ẩn số, tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định.
Chính sách tiền tệ cần lưu ý đặc biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất. Trong khoảng 10 năm gần đây tốc độ tăng cung tiền và tín dụng ở Việt Nam còn rất cao so với các nước trong khu vực cũng như so với tăng trưởng của nền kinh tế thực. Điều này khiến cho sức ép lạm phát giá cả tiêu dùng cũng như giá tài sản luôn thường trực trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán và bất động sản nóng như hiện nay, việc kiểm soát dòng tín dụng vào các thị trường này cũng cần được biệt lưu ý bên cạnh vấn đề nợ xấu.
Khuyến nghị chính sách trong trung và dài hạn
Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid–19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực, trong đó cần nhận diện và khắc phục các rào cản để nâng cao thứ hạng trong bộ chỉ số NLCT 4.0 (WEF). Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số PCI, điều này không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung mà còn được chứng minh làm gia tăng TFP của các ngành sản xuất tại địa phương đó. Hơn nữa, TFP của doanh nghiệp tư nhân ở cả hai ngành nghiên cứu đều ở mức thấp so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, để có thể thực sự nâng cao nội lực của nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Việt Nam cần tận dụng được thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong tương lai. Để làm được điều này, cần thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của các FTAs trong việc cải thiện lợi thế so sánh và giá trị gia tăng của Việt Nam trong GVC, đồng thời tạo môi trường để các FTAs phát huy hiệuhiện quả. Song song với điều này, để có thể giảm những tác động có thể có tiêu cực từ hội nhập, Việt Nam cần có những giải pháp để tăng sự chống chịu của nền kinh tế trên cơ sở tiếp tục đa dạngđạng hóahoá thị trường và hàng hoá dựa trên mạng lưới FTAs và lợi thế so sánh. Cần nâng cấp sự tham gia của GVCs, đặc biệt cần công nhận và nhấn mạnh vai trò và tiềm năng của nhóm ngành nông nghiệp trong việc cải thiện vị thế của Việt Nam thông qua việc tăng DVX của Việt Nam.
Trước hết, mặc dù đầu tư công cần có lựa chọn, song Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện hệ thống vận tải nhằm thúc đẩy lưu thông hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Thứ hai, Chính phủ Việt Nam nên tận dụng các FTAs nhằm cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hóa cho hoạt động giao thương. Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hiểu biết và đảm bảo khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, xuất xứ...khẳng định vị thế của mình trên sân chơi thế giới. Thứ tư, Việt Nam cần nâng cao trình độ và chất lượng nguồn nhân lực nhằm hưởng lợi và tận dụng được tối ưu chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật từ những doanh nghiệp nước ngoài, trên cơ sở đó, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.
Hoạt động xuất nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng TFP. Để Việt Nam có thể cải thiện TFP của mình thông qua việc tham gia vào GVC, Việt Nam có thể thông qua việc thiết lập và gắn kết với các đối tác là các quốc gia có mức thu nhập cao hơn và phát triển hơn. Với mối liên kết sau, Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng và với hàm lượng công nghệ cao, cải thiện năng suất của mình. Với mối liên kết trước, Việt Nam có thể tiếp cận với những tiêu chuẩn và bí quyết từ đối tác xuất khẩu của mình. Bởi lẽ đó, một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của các FTAs với các quốc gia phát triển sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi từ sự lan tỏa công nghệ và bí quyết quản lý, nâng cao TFP của nước nhà thông qua phát triển thương mại, đầu tư và tham gia vào GVCs. Việt Nam cũng nên xem xét việc tham gia vào các chuỗi giá trị mới dẫn dắt bởi EU (nhờ EVFTA và thông qua chiến lược thương mại mới của EU) và có thể bởi Trung Quốc (Trung Quốc có chiến lược tự chủ về kinh tế - công nghệ và tự xây dựng các chuỗi giá trị do mình dẫn dắt) thay vì các chuỗi truyền thống trước đây.
Xu hướng xanh hóa và số hóa được đẩy mạnh mở ra nhiều cơ hội mới, cách làm mới cho hầu hết các ngành. Với 2 ngành điện tử và thực phẩm, có thể nghiên cứu các cơ hội mới và cách làm mới như phát triển phân khúc sản phẩm sạch, organic; cách thức thương mại đối với sản phẩm (sử dụng các sàn thương mại...).
Ngành điện tử Việt Nam nên tận dụng tốt vai trò của các FTAs nhằm tăng cường sự kết nối với các đối tác chiến lược cả ở phía thượng nguồn và hạ nguồn; đa dạng các đối tác khác bên ngoài Châu Á để giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một số quốc gia nhất định trong khu vực. Việt Nam cũng cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu điện tử thông qua: (i) hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ; (ii) chủ động tìm kiếm đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài nhằm mở rộng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển; (iii) nâng cao hợp tác với các quốc gia khác nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; (iv) tích cực hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện xác nhận ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;…Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường hơn nữa khả năng chuyên môn hoá, tập trung sản xuất các sản phẩm công nghệ có độ phức tạp cao, đáp ứng kịp thời các xu thế chuyển dịch cung cầu về nguyên liệu đầu vào công nghệ điện tử, mặt hàng điện tử công nghệ trên thị trường quốc tế.
Để cải thiện vị thế của Việt Nam trong GVC ngành thực phẩm, cần tập trung vào ba trụ cột chính, bao gồm chế biến (thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tốt hơn), sản phẩm (tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, phức tạp hơn hoặc có giá thành cao hơn) và chức năng (có được các kỹ năng mới trong chuỗi giá trị mà công ty chưa thực hiện trước đây). Về phía các cơ quan quản lý nhà nước: cần tập trung Xúc tiến triển khai các cam kết cũng như ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau, hậu kiểm trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBTs); Khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm; Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu Việt Nam cho ngành thực phẩm; Tăng cường truyền thông về các ưu đãi đã cam kết trong FTAs liên quan đến thực phẩm. Về phía doanh nghiệp: cần tập trung nghiên cứu các lộ trình cắt giảm thuế quan đối với ngành thực phẩm Việt Nam; Tìm hiểu, chuẩn bị và sẵn sàng, điều chỉnh sản xuất đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ; Tìm hiểu, điều chỉnh sản xuất bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng; Xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, đây là một ngành Việt Nam có lợi thế và Việt Nam nên tập trung xây dựng những doanh nghiệp lớn trong nước đủ mạnh để dẫn dắt thị trường nội địa./.
>> Xem hoặc download bài viết tại đây.
Ngày 18/05/2024 vừa qua, Hội thảo “Xác lập khung mô hình đánh giá mức độ chuyển đổi số và chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành bán lẻ” đã được tổ chức ...
Chi tiếtSáng 2/4/2024, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở ...
Chi tiếtTọa đàm nhằm thảo luận kết quả nghiên cứu của giảng viên liên quan tới Carbon emissions and energy transition, lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc ...
Chi tiếtĐể nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra yêu cầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được thực hiện thường xuyên và coi đây ...
Chi tiếtĐể thực hiện được mục tiêu phát triển du lịch trong chiến lược bền vững, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều mô hình dulịch đảm bảo hài hòa các yếu tố: ...
Chi tiếtĐó là khuyến nghị mà nhóm tác giả cuốn sách “Kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước lưu vực sông” (gồm PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, ...
Chi tiếtGần đây, giá xăng dầu tăng mạnh theo giá nhiên liệu thế giới, là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 2 tăng 1% so với tháng trước và cao hơn 1,2% so với ...
Chi tiếtXu hướng hội nhập, liên kết kinh tế ngày càng sâu rộng giữa các nước đã tạo cơ hội lớn cho sự phát triển của mỗi quốc gia, song nó cũng lại đặt các quốc ...
Chi tiếtBài viết đánh giá tình hình, nêu lên triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam và nêu lên một số khuyến nghị chính sách nhằm phát huy nội lực, tận dụng ...
Chi tiết